Trớ Trêu Chuyện Đặt Cọc Giữ Chỗ Mua Nhà: Còn Tùy Hên Xui
Xuống một khoản tiền cùng với việc tiến hành ký hợp đồng đặt chỗ sau khi tìm hiểu và ưng ý mua một căn hộ, ngôi nhà tưởng như là việc bắt buộc và hết sức bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại rất nhiều các dự án, người tiêu dùng nhiều khi đã phải trả giá bằng chính khoản tiền cọc của mình cho các môi giới lách luật để lừa dối họ. Câu chuyện bạc tỷ, hàng trăm triệu lại trở thành may rủi hên xui, trở trêu thay!
Chuyện không mới
Gần 7 năm trước đã xôn xao một vụ việc tại Hà Nội khiến đến nay vẫn khiến nhiều khách hàng điêu đứng. Đó là việc đặt cọc giữ chỗ mua nhà tại dự án Vĩnh Hưng Dominium số 409 Lĩnh Nam (Hoàng Mai) do công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar đầu tư.
Chị Hoa, một khách hàng mua nhà tại dự án này chia sẻ: “Năm 2011, vì tin tưởng chủ đầu tư nên gia đình đã đặt 500 triệu đồng, thậm chí chúng tôi còn rủ bạn bè đến đặt cọc giữ chỗ, có người nộp lên đến gần 1 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư hoặc sa vào vòng lao lý hoặc biệt vô âm tín không biết hỏi ai để đòi quyền lợi.”
Nếu không đặt cọc, người tiêu dùng không an tâm vì lo sợ chỗ mình ưng ý không còn
Cùng cảnh ngộ trên, chị Vân ở Ba Đình cũng từng rủ một người bạn chung tiền mua dự án trên và đóng đến 700 triệu đồng, nhưng 7 năm qua coi như đã rơi vào cảnh “mua vịt trời” như bao người khác.
Tìm hiểu thêm việc đặt cọc giữ chỗ mua nhà tại đây:
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã tự xưng là chủ đầu tư dự án khi chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thậm chí chưa từng thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đất nền Khu vực VIII – 3, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, nhưng vẫn huy động vốn bằng “phiếu đặt chỗ”. Đơn vị này cũng quảng cáo rầm rộ khi “mạnh miệng” công bố tung ra 1.000 nền nhà và nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền khiến gần 500 người đã đặt cọc hơn 16 tỷ đồng mua dự án này.
Các quy định không ăn khớp
Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2015 quy định, dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện xong phần móng đối với chung cư và hạ tầng đối với các khu đô thị mới được mở bán cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo Bộ Luật Dân sự 2015: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
Một số chủ đầu tư đã vin vào điều này để cho rằng, việc đặt cọc trước khi dự án đủ điều kiện mở bán là hoạt động giao dịch hoàn toàn tự nguyện nên họ không vi phạm luật.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tich Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có độ vênh nhất định giữa Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Dân sự trong quá trình áp dụng pháp luật để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Do đó, trong quá trình áp dụng pháp luật, một số doanh nghiệp đã lợi dụng các quy định về “giao dịch dân sự theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện” về đặt cọc, hợp đồng hợp tác của Bộ Luật Dân sự để ký “Thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ”. “Hợp đồng góp vốn”, “Hợp tác đầu tư” để tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.
Cần liên tục có sự cải cách, tiến đổi trong Luật Kinh doanh Bất động sản
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đối tượng của hợp đồng mua bán được hợp đồng đặt cọc bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai, có nghĩa là tại thời điểm đặt cọc, tài sản này chưa được hình thành và chưa được phép giao dịch.
Thực tế, pháp luật dân sự lại chưa có quy định cụ thể đối với việc đặt cọc để bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán tài sản theo hình thức này. Do đó, việc đặt cọc trong trường hợp này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Mục đích của đặt cọc là đảm bảo thực hiện hợp đồng và ký kết hợp đồng nhưng căn hộ hoặc căn biệt thự, khu đất đó phải đầy đủ các hồ sơ pháp lý và tại thời điểm ký kết phải xây dựng ít nhất xong phần móng thì mới đúng. Còn tại thời điểm ký kết đặt cọc chưa có tài sản hình thành thì bị lừa dối và trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không kiểm soát giao dịch đó mà chỉ khi bị lừa dối và khách hàng báo lên các cơ quan quản lý thì họ mới biết.
Luật sự Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (đoàn Luật sư Hà Nội) khuyến cáo “Do đó, để tránh rơi vào cảnh bị lừa, trước khid dặt cọc người tiêu dùng phải tìm hiểu thật kỹ về chủ đầu tư xem dự án đã đủ điều kiện mua bán chưa. Ngoài ra, còn đến thực địa xem và ít nhất công trình đã xây dựng xong phần móng và khi ký kết đặt cọc có ngân hàng nào bảo lãnh cho chủ đầu tư về nghĩa vụ bàn giao nhà cho khách hàng hay chưa”.
Theo Báo đầu tư