Tranh chấp phí bảo trì chung cư, cuộc chiến chưa có hồi kết
Mỗi nằm, hàng trăm thậm chí hàng ngàn dự án chung cư trên khắp cả nước được xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng là hàng loạt các vụ kiện chưa hề có dấu hiệu ngã ngũ về khoản phí tại các dự án này với tên gọi “tranh chấp phí bảo trì chung cư”. Con số chỉ khoảng 20% chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư trong suốt những năm qua đã đủ phản ảnh và nói lên thực trạng việc tranh chấp phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân các khu chung cư ngày càng “nóng”.
Tranh nhau đi kiện
Theo thống kê của Sở xây dựng TP. Hồ Chí Minh, chỉ riêng TP.HCM đã có 17 khu chung cư với hàng nghìn hộ dân phát sinh tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành. Đặc biệt phải kể đến là vụ tranh chấp nảy lửa dẫn đến đổ máu như ở 4S riverside. Gần đây, TAND quận 3 đã thụ lý đơn kiện của Ban quản trị chung cư 4S Riverside (quận Thủ Đức) yêu cầu Công ty Trường Lộc – chủ đầu tư – chuyển giao quỹ bảo trì với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Vừa qua, cư dân chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè) do CTCP Phú Hoàng Anh làm chủ đầu tư đã cứu cầu đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng để đòi số tiền còn 8 tỷ đồng mà công ty này chưa bàn giao lại cho Ban quản trị.
Chuyện nợ phí bảo trì, không chuyển giao cho Ban quản trị khiến tranh chấp ở nhiều chung cư tạp TP. Hồ Chí Minh ngày càng quyết liệt. Chẳng hạn, chung cư Era Town (quận 7) của Công ty Đức Khải dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng số tiền nợ 20 tỷ đồng vẫn không chuyển cho Ban quản trị.
Chỉ khoảng 20% chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư, con số quá thấp
Tại Hà Nội, điểm sơ cũng thấy cả chục dự án bất động sản bán chung cư đang “dính” khiếu kiện về phí bảo hành, như The Manor, Sky City Golden Westlake, Golden Palace, CT1 Ngô Thì Nhậm…
Điển hình là vụ tranh chấp tại khu căn hộ Sky City (88 Láng Hạ), sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà. Sáng 19/5, ông Cường, thành viên BQL tòa nhà cho biết, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư đã bàn giao hơn 30 tỷ trong quỹ bảo trì cho Ban quản trị, nhưng số tiền này chỉ khoảng 50%. Cư dân và Ban quản trị lại tiếp tục khởi kiện chủ đầu tư để hoàn trả nốt số tiền quỹ bảo trì còn lại, không biết đến bao giờ tranh chấp này mới giải quyết thỏa đáng.
Tìm hiểu thêm phí bảo trì chung cư tại đây:
Không chỉ những dự án nhỏ, hoành tráng như tòa nhà Keangnam Hà Nội cũng vấp phải bài toán tranh chấp phí bảo trì. Ban quản trị tòa nhà cho biết, Ban quản trị tòa nhà được UBND huyện Từ Liêm công nhận từ 18/1/2013 đến nay nhưng chưa nhận được một đồng quỹ bảo trì nào từ chủ đầu tư. “Sau gần bốn năm ròng rã khiếu kiện, chủ đầu tư vừa trả lời sẽ trả năm tỷ đồng phí bảo trì mỗi năm, trong vòng 25 năm, thấp hơn cả số tiền lãi gửi 160 tỷ đồng vào ngân hàng.” Ông Công – Ban quản trì tòa nhà Keangnam cho biết.
Tại hai tòa chung cư NC1, NC2 (quận Hà Đông) do công ty CP Coma 18 làm chủ đầu tư, đã đưa vào sử dụng chục năm nay, đã có Ban quản trị từ tháng 6/2014, nhưng đến nay Ban quản trị và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phí bảo trì. Một chủ đầu tư mới nhất đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía của cư dân là tại dự án CT6 Bemes, Kiến Hưng, Hà Đông.
Chỉ khoảng 20% chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư trong suốt những năm qua thì thật sự, khó lòng mà liệt kê hết được những dự án vướng vào vòng kiện cáo.
>>> Xem thêm : Phương án nào cho các dự án nhà tái định cư Hà Nội còn bỏ hoang
Nguyên nhân và hậu quả
Mặc dù quy định về quản lý chung cư đã được ban hành tại Luật Nhà ở 2014, theo đó các khoản phí, cách thu chi, ai quản lý, quản lý thế nào được hướng dẫn khá cụ thể, nhưng vấn đề tranh chấp phí bảo trì chung cư vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là quản lý yếu kém và chủ đầu tư không muốn “nhả” số tiền đã thu.
Theo các luật sư và chuyên gia Bất động sản, sở dĩ “cuộc chiến” phí bảo trì nhà chung cư diễn ra liên tục, nhiều nơi và dai dẳng bởi số tiền này khá lớn, lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, pháp luật quy định về vấn đề này còn nhiều lỗ hổng, chưa có chế tài xử phạt chủ đầu tư.
Keangnam – Tòa nhà nổi tiếng cao nhất Hà Nội vẫn vướng phải vòng kiện cáo
Theo luật sự Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico “Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong giao dịch với các công ty Bất động sản.” Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố Hồ Chí Minh thì cần trông đợi vào Luật Nhà ở (sửa đổi) vì “Hiện nay, Ban quản trị tòa nhà là một tổ chức tự quản gồm nhiều cá nhân, không có tư cách pháp nhân, nên không thể mở tài khoản theo quy định của một pháp nhân. Từ 1/7 tới, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, Ban quản trị chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình…Như thế, Ban quản trị, cư dân mới dễ dàng đảm bảo quyền lợi của mình.”
Vẫn biết là như vậy, nhưng đến lúc nào thì các khiếu nại cũ sẽ được giải quyết triệt để, ngã ngũ? Khi nào thì không còn phát sinh những vụ kiện mới? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ, còn trước mắt, hậu quả vẫn là hàng ngàn, hàng triệu dân cư sống trong chung cư khắp cả nước vẫn ngày đêm canh cánh nỗi lo nơi mình “an cư” không được bảo trì, bảo dưỡng như cam kết lúc ký giấy mua nhà, nhất là khi tiền đã nộp đủ. Chừng nào mâu thuẫn, tranh chấp này chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm theo đùng quy định của Pháp luật thì chừng đó quyền lợi người mua nhà tại các chung cư vẫn không được đảm bảo.
Những người dân có ý định mua chung cư thì lo ngại trước thực trạng không biết kêu ai này. Do đó, các dự án chung cư vẫn tiếp tục xây dựng nhưng người đi thuê nhà, ở trọ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về quản lý dân cư vẫn tiếp tục phải ở thuê do lo sợ tính minh bạch trong pháp lý chung cư.
Các chuyên gia cho rằng, việc thu và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đã được quy định trong Luật Nhà ở. Tuy nhiên những tranh chấp vẫn liên tiếp diễn ra khi chủ đầu tư không trả phí bảo trì chung cư cho Ban quản trị. Điều đó cho thấy, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ở trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân một cách mạnh mẽ nhất.
Tuấn Phương – Sàn giao dịch bất động sản Vingroup – Life Space Land