Tình hình vi phạm xây dựng : Xử lý sau thanh tra chưa nghiêm
Theo Bộ Xây dựng đánh giá, tình trạng vi phạm xây dựng sau thanh tra hiện đã được cải thiện tuy nhiên chưa bền vững. Điển hình như một số dự án khởi công mà chưa có giấy phép xây dựng, một số dự án sau thanh tra thực hiện xử lý, khắc phục sai phạm chưa nghiêm túc.
Tỷ lệ công trình sai phép chiếm tới 12-13%
6 tháng đầu năm 2017, Bộ Xây dựng đã tổ chức 150 đợt kiểm tra các công trình thuộc phạm vi quản lý, đồng thời phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy chế thực hiện lồng ghép thủ tục thẩm duyệt thiết kế phòng cháy – chữa cháy và thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng. Bộ cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm nghiệm thu các công trình xây dựng và phòng cháy chữa cháy.
Ông Phạm Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng vi phạm xây dựng đã giảm so với trước. Theo đánh giá của Bộ, chất lượng các công trình về cơ bản đã đảm bảo, giảm thiểu được những sự cố xây dựng, mất an toàn thi công. Tuy nhiên, tình hình vi phạm xây dựng vẫn khá phổ biến. Năm 2016, bình quân các công trình xây dựng sai phép đã chiếm khoảng 12 – 13%.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vụ việc sai phạm không bị phát hiện, chỉ đến khi báo chí và dư luận phản ánh thì cơ quan chức năng mới biết đến. Đồng thời, có những vụ việc vi phạm đã được xử lý nhưng mức độ còn quá nhẹ, không thích đáng nên gây bức xúc cho người dân.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ trưởng là do giấy phép xây dựng được cấp không đúng với quy hoạch chi tiết hay thiết kế chung của khu vực. Hoặc có thể đã cấp đúng nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm, hay cơ quan chức năng không thường xuyên thanh kiểm tra… Từ đó, Bộ trưởng nhận định cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành và Bộ Xây dựng, tập trung xử lý triệt để một số điểm.
>>> Xem thêm : diện tích thông thủy và cách tính
Vẫn tồn tại nhiều vi phạm về phòng cháy chữa cháy
Vấn đề liên quan đến chất lượng công trình được người dân rất quan tâm chính là tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy phổ biến ở nhiều nơi, từ khu nhà tái định cư, chung cư bình dân cho đến chung cư cao cấp. Năm 2016, thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 46,4% trong tổng số 682 chung cư trên địa bàn thành phố không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa. Tại Hà Nội, theo khảo sát trong tổng số 759 chung cư, cũng có 79 công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Tính đến hết tháng 7/2017, mới chỉ có 14 công trình trong số này khắc phục được vi phạm.
Rõ ràng, dự án chưa đạt các điều kiện về phòng cháy chữa cháy sẽ không được phép đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế khá nhiều chủ đầu không tuân thủ việc này, không gửi báo cáo tới các cơ quan chức năng từ khi khởi công đến khi hoàn thành dự án. Nhiều khu chung cư cũng chưa được nghiệm thu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn cho cư dân vào ở.