Thực hư chung cư Hà Nội: Leo mái nhà để xuống đất??
Thông tin khu chung cư Hà Nội tái định cư G9 Xuân Đình (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải leo lên nóc nhà, đi bộ qua mái tôn sang tòa nhà khác mới xuống được tầng 1 do 5 trong 6 thang máy của tòa nhà lâu nay bị hỏng khiến không ít người bàng hoàng và sợ hãi cho cư dân tại đây.
Đáng buồn thông tin trên là hoàn toàn đúng sự thật. Chung cư G9 thuộc tổ dân phố 5, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) gồm 3 tòa nhà 9 tầng và một tầng thượng phục vụ cho 120 hộ dân với trên 400 nhân khẩu được chuyển từ khu nhà gỗ phường Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm). Người dân chuyển về sinh sống theo dạng tái định cư từ tháng 9/2006.
Chỉ sau 11 năm sử dụng, 6 cầu thang máy liên tục bị hỏng, nhiều hạng mục của tòa nhà cũng xuống cấp nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống của 120 hộ dân mặc dù cư dân cho biết, tất cả các hộ dân đều nghiêm chỉnh chấp hành đến chỗ ở mới và thực hiện đúng các quy tắc về nhà ở trong suốt hơn 11 năm qua.
Gần 120 hộ dân ở khu chung cư G9 Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải leo lên nóc nhà để đi lại trong nhiều tháng nay.
Dù đã nhiều lần kiến nghị về việc nhiều hạng mục của tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là thang máy hỏng nhiều tháng nay nhưng đơn vị quản lý tòa nhà không đứng ra sửa chữa khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn. Theo phản ánh của cư dân, ở tòa 2 chỉ còn một thang hoạt động, nhiều tháng nay thang máy ở tòa nhà 1 và 3 bị hỏng. Các hộ dân hai tòa nhà 1 và 3 phải di chuyển bằng cách đi lên tầng thượng tầng 8, tầng 9, sau đó vượt qua mái chung cư bằng tôn sang thang máy của tòa thứ 2 để đi xuống mặt đất.
“Người già trẻ em phải leo qua mái nhà để đi lại, sợ nhất là những hôm mưa gió trơn trượt. Có trường hợp cụ già leo lên giữa tòa nhà mệt quá nằm ngất xỉu giữa cầu thang” – một cư dân bức xúc cho biết.
>>> Xem thêm: Nhà đầu tư Hà Nội và Sài Gòn khác nhau điểm gì khi cùng đổ tiền vào địa ốc?
Đã có yêu cầu sửa ngay thang máy từ Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản gửi Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về thang máy tại nhà tái định cư G9 (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), bị hỏng trước những đơn từ và kiến nghị nhận được từ cư dân.
Văn bản nêu rõ, trước phản ánh của báo chí về thang máy tại nhà tái định cư G9 (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), bị hỏng, người dân phải đi trên mái nhà sang tòa bên cạnh để đi thang máy xuống tầng 1.
Sự xuống cấp rõ rệt trong nhiều căn hộ chung cư tái định cư
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khẩn trương kiểm tra, có ngay phương án sửa chữa hệ thống thang máy tại nhà tái định cư G9 đảm bảo ổn định cuộc sống và an toàn tuyệt đối cho người dân, báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 31/1/2018.
Sau nhiều lần dân cư lên tiếng, báo chí vào cuộc thì mãi đến chiều ngày hôm qua (24/1), một nhóm công nhân đã đến sửa thang máy.
Không chỉ hỏng cầu thang máy, các hộ dân cũng rất bức xúc vì tòa chung cư G9 còn gặp phải nhiều vấn đề khác như nấm mốc, bong tróc vôi, ẩm ướt, tường có nhiều vết nứt, cửa kính hành lang không đảm bảo có thể rơi bất cứ lúc nào, hệ thống thoát nước thải bị rò rỉ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân…
Một dự án chung cư tái định cư bị bỏ hoang
Sự việc này một lần nữa lại giấy lên tranh cãi về chất lượng và cách quản lý nhà tái định cư. Thời gian qua đã có nhiều thông tin cho thấy nhà tái định cư gặp rất nhiều vấn đề bất cập. Phần lớn cư dân sinh sống tại các dự án này cho rằng, họ đã bàn giao nhà cửa, đất đai để nhà nước thực hiện các dự án. Thế nhưng khi chuyển về sinh sống tại các khu nhà tái định cư thì chất lượng rất thấp như hệ thống điện nước, thiếu hệ thống PCCC, cầu thang máy thường xuyên bị hư hỏng… Bên cạnh đó, việc chậm thành lập ban quản trị, không minh bạch trong sử dụng diện tích tầng 1 hay liên quan đến phí bảo trì… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu nhà tái định cư.
Thiết nghĩ chung cư Hà Nội, nếu vẫn còn những sự việc tiêu cực như vậy diễn ra, không khó hiểu khi một thực trạng khác còn tiếp tục tái diễn đó là những khu nhà tái định cư bỏ hoang, không được người dân chuyển về sinh sống gây tốn kém và lãng phí tiền của. Trong khi, nhiều dự án cần cải tạo thì không thể thực hiện được việc giải tỏa mặt bằng và di dời dân cư.
Theo Vietnamnet