Giá nhà Việt Nam cao hay thu nhập người dân thấp?

Tính sơ sơ, để mua được căn hộ chung cư bình dân trên dưới 1 tỷ đồng, người dân sẽ phải “nhịn ăn nhịn mặc nhịn chi tiêu” khoảng 10 năm trời để có một chốn an cư. Nhiệm vụ bất khả thi này đang cho thấy những bất cập về giá nhà Việt Nam cao hay thu nhập người dân? Liệu có phương án giải quyết hay không?

Giá nhà cao, thu nhập thấp hay cả hai?

Số liệu từ ngày 1/1/2017  đến 31/12/2017 mà VietnamWorks công bố “Báo cáo lương toàn năm 2017” cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về mức lương trung bình mỗi tháng đạt gần 10,4 triệu đồng. Tiếp đến là Đà Nẵng và sau đó là Bình Dương, Bắc Ninh lần lượt là 10,2 triệu; 10,2 triệu và 9,5 triệu/tháng. Khá bất ngờ khi Hà Nội xếp thứ 4 ghi nhận mức lương chỉ 9,3 triệu/người/tháng.

Số liệu này đã tăng so với các năm trước nhưng thực chất, khi so sánh với các nước cùng khu vực thì đây vẫn là con số còn khiêm tốn. Do đó, số lượng người nhập cư ở các thành phố lớn lên đến hàng triệu, phần lớn còn phải đi ở trọ nhưng với mức thu nhập như trên thì viễn cảnh có nhà của nhóm đối tượng này quả thật là khó như “tìm kim đáy bể” bởi thực tế là giá nhà quá cao.

Giá nhà cao, thu nhập thấp hay cả hai

GRDP qua các năm từ 2012 đến 2017

Trong khi số lượng các dự án nhà ở xã hội quá ít ỏi, đối tượng được mua hạn chế, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ được người dân trong đợi. Tuy nhiên, “giá rẻ” tại các dự án này cũng không dưới 1 tỷ/căn. Số lượng những dự án có mức giá trên dưới 1 tỷ hiện cũng khan hiếm.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) từng cho biết, giá nhà tại Việt Nam cao hơn mức thu nhập bình quân 20 lần so với thu nhập bình quân xã hội. Ở các nước, người dân thường mất khoảng 5 – 7 năm thu nhập để mua nhà thì con số này ở Việt Nam là 20 năm.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, giá nhà ở tại Việt Nam không cao, ngược lại mức thu nhập của người dân hiện còn quá thấp.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng cho biết, đừng kêu giá nhà Việt Nam cao mà chẳng qua là do lương người lao động quá thấp. Tôi không thấy thống kê nào cho thấy Việt Nam nằm trong TOP 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới.

Vẫn tranh cãi về phương án giải quyết

Hàng loạt chính sách phát triển về nhà ở giá rẻ được mổ xẻ. Trong có, khả thi nhất là phương án triển khai căn hộ diện tích nhỏ 25m2 để đáp ứng nhu cầu ở nhà giá rẻ cho dân cư. Tuy nhiên, vấn đề này gây tranh cãi mấy năm qua vẫn chưa tìm được kết quả thích đáng.

Theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất quy định căn hộ chung cư có diện tích tối thiểu là 25m2 là có cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn. Bởi theo kết quả điều tra về dân số và nhà ở, có khoảng 4,8% hộ gia đình tại khu vực đô thị có diện tích nhà ở tối thiểu dưới 5m2/người.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng TP.HCM có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2 đối với căn hộ thương mại (tương đương quy định hiện hành về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội).

Vẫn tranh cãi về phương án giải quyết

Nhà ở xã hội giá rẻ đang được nhiều người dân chờ đợi

Trong khi đó, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu nâng diện tích nhà ở tối thiểu lên 6m2 sàn/người vào năm 2015 và lên 8m2 sàn/người đến năm 2020. Vì thế, quy định căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2 (1-3 người ở) là hợp lý và phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là những người có thu nhập thấp tại đô thị và người lao động tại các khu công nghiệp.

Như vậy, văn bản này của Bộ Xây dựng đã hé mở nhiều cơ hội cho dòng sản phẩm căn hộ 25m2.

Tuy nhiên, TP.HCM sau đó đã lên tiếng phản đối phát triển nhà ở có diện tích 25m2. Lý do là căn hộ thương mại có diện tích nhỏ (dưới 45m2) sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tăng dân số cơ học gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội và có thể hình thành các khu “ổ chuột” trên cao.

Giá nhà Việt Nam, rõ ràng vấn đề quan trọng không nằm ở diện tích căn hộ bao nhiêu mà là câu chuyện quy hoạch. Tại các thành phố đều có quy hoạch rõ ràng, chỉ tiêu dân số cũng được quy định cụ thể. Chỉ cần các cơ quan ban ngành vào cuộc một cách quyết liệt thì phương án này sẽ trở nên khả thi. Trong khi chờ đến lúc đó, người dân vẫn phải tạm trú trong những khu trọ tạm bợ với chất lượng cuộc sống thấp, hoặc bỏ ra rất nhiều tiền để ổn định hơn cho bản thân, gia đình và con cái.

Bình luận

Đánh giá bài viết

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Chia sẻ bài viết