Chung cư có tội?
Có một thực tế hiện nay tại các thành phố lớn của Việt Nam tiêu biểu là Sài Gòn, Hà Nội là việc xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong trung tâm thành phố, khu vực nội đô đã tạo ra quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị, biểu hiện rõ rệt nhất là tình trạng tắc đường, vệ sinh môi trường kém… nhưng liệu nguyên nhân của các vấn đề này liệu có phải xuất phát từ mô hình nhà ở chung cư? Có đúng chung cư có tội?
Nhà cao tầng không có lỗi!
Chỉ tính riêng năm 2017, Hà Nội có thêm 11 triệu m2 nhà ở, cao hơn 100 lần kỷ lục xây dựng 0,11 triệu m2 nhà ở Hà Nội năm 1978.
Phát biểu tại hội thảo “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Việt Nam nhìn nhận: việc các nhà cao tầng hiện diện trong lòng các đô thị Việt Nam như hiện nay là sự tất yếu của quá trình đô thị hoá và phát triển hội nhập với toàn cầu. Nhà cao tầng không có lỗi trong việc phát triển đô thị Việt Nam và ách tắc giao thông…
Những tòa nhà chọc trời thi nhau mọc lên như nấm tại Hà Nội
Đồng quan điểm, bà Trần Thu Hằng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) đánh giá, sự phát triển của hệ thống nói chung và đặc biệt là các đô thị lớn nói riêng đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Bộ mặt kiến trúc đô thị đang từng bước thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, phản ánh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
>> Xem thêm: Bất động sản phía Tây Hà Nội – thỏi nam châm “hút” nhà đầu tư năm 2018
Cần phải khắc phục những điều gì?
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nhìn chung chất lượng đô thị ở nước ta còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tuy có sự cải thiện và nâng cấp nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải không những không tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội đô thị, mà còn nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường..
- TS. KTS. Nguyễn Tố Lăng – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, trong các chung cư cao tầng hiện nay, mật độ xây dựng còn quá cao do việc tận dụng không gian sử dụng, chất lượng sống trong các nhà cao tầng bị nhiều hạn chế về môi trường, thông thoáng và tầm nhìn. Việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức cho các tuyến phố, các lô phố trong đô thị nói chung và những khu vực có nhà cao tầng nói riêng.
Chung cư mang lại bộ mặt khang trang cho thành phố nếu được quy hoạch đúng đắn và hợp lý
Theo GS, cần lựa chọn cho những khu vực thích hợp trong thành phố cho việc xây dựng tập trung cao tầng, bên cạnh đó là những không gian trống, cây xanh, mặt nước tạo được môi trường sống trong lành cho đô thị, không xây dựng cao tầng tràn lan; phải coi khu vực có cao tầng làm điểm nhấn cho cả không gian đô thị.
Thực chất, việc gia tăng mật độ dân số tại các thành phố lớn là không có lựa chọn khác. Câu chuyện chúng ta cần giải quyết không phải kết tội cho chung cư hay nhà cao tầng mà là tìm giải pháp làm thế nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Nhà nước phải quản lý bằng vấn đề chuyên môn chứ không thể quản lý bằng cảm tính.
Cần phải khách quan nhìn nhận rằng, nhà cao tầng ngày càng phát huy vai trò, an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm đất và hiệu quả sử đụng đất cao hơn nếu chúng ta biết cách quy hoạch và quản lý đúng.