Cạn quỹ đất nhà ở xã hội, và những thực trạng đáng báo động!

Việc thiếu hụt quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, công trình công cộng không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, dù biết nhưng không ít chủ đầu tư “câu giờ” bàn giao quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% cho TP. Nhiều chuyên gia lo ngại, hiện tượng chủ đầu tư “găm đất” nhà ở xã hội để đầu cơ chờ thị trường ấm lên mới bung hàng. Từ thực tế đó, mới đây, Hà Nội mạnh mẽ đôn đốc nhanh chóng thu hồi nhiều dự án phát triển nhà ở ngay khi rà soát, phát hiện vi phạm.

Muốn xây nhà ở xã hội nhưng… hết đất

Luật Nhà ở 2014 quy định các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cắt lại 20% diện tích đất của dự án để xây Nhà ở xã hội. Thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong giai đoạn từ 2002 – 2014 khi hàng loạt các khu đô thị mới được xây dựng tại Hà Nội nhưng rất ít dự án có Nhà ở xã hội đi kèm. Có thể kể đến các khu đô thị: The Manor (Mỹ Đình), Văn Phú (Hà Đông), dự án 275 Nguyễn Trãi…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn khiêm tốn. Cụ thể, năm 2013, Hà Nội mới có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong năm 2014 mới chỉ có thêm 3 dự án hoàn thành với trên 115.000m2 sàn xây dựng.

Cạn quỹ đất nhà ở xã hội

Một khu đất dự án được làm sân bóng đá tại Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hải Linh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Viglacera cho biết, Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đã đưa vào sử dụng hơn 2.000 căn hộ và chuẩn bị bàn giao hơn 1.000 căn hộ giai đoạn 3 (thừa nhà ở xã hội so với quy định về quỹ đất 20%). “Lần đầu tiên chúng tôi làm nhà ở xã hội còn nhiều bỡ ngỡ, có những cái làm tốt, cái chưa. Tới giai đoạn 2 chúng tôi rút kinh nghiệm. Giai đoạn 3, chúng tôi làm nhanh và tốt hơn. Đến khi có đủ khả năng làm thì hết đất, hết dự án”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai, đơn vị có kinh nghiệm làm 2 dự án nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) và Kiến Hưng (Hà Đông) cho biết, doanh nghiệp rất tâm huyết với nhà ở xã hội nhưng cũng không biết làm thế nào do không có quỹ đất.

Ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Chèm – Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) cũng cho biết, sau khi triển khai tiếp gần 1.000 căn giai đoạn 2 tại đây thì doanh nghiệp… hết đất để làm tiếp. Chúng tôi có sẵn nguồn lực, tài chính nhưng nếu không có đất tại vị trí phù hợp thì không thể triển khai tiếp dự án”, ông Đạt nói.

>> Xem thêm: Mẹo dọn nhà bếp một lần mà gọn mãi

Và những dự án bỏ hoang, phải thu hồi?

Thực chất, Hà Nội rất chú trọng phát triển quỹ nhà này, mới đây, thành phố còn yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp nhanh chóng khởi công dự án đã đăng ký. Cụ thể, đầu tháng 8/2010, thành phố đã khởi công 3 dự án, với hàng nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp tại quận Hà Đông, Long Biên và huyện Gia Lâm.

Cạn quỹ đất nhà ở xã hội 2

Những dự án nghìn tỷ đứng trơ giữa mưa nắng

Thoạt nghe có vẻ rất phấn khởi, hồ hởi, thế nhưng, cũng giống như số phận một số khu nhà xây dựng thí điểm dành cho người thu nhập thấp được hoàn thành cách đây vài năm, quỹ nhà xã hội đang gấp rút hoàn thiện tại các địa phương đang đứng trước nguy cơ xây rồi để đó.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng đáng buồn này là do sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách quy định về bán, cho thuê, quản lý nhà ở xã hội của các địa phương. Một số doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, chỉ còn vài tháng nữa là nhà xong khâu hoàn thiện nhưng nhà đầu tư vẫn không dám nhận hồ sơ hay đơn đăng ký mua nhà bởi còn phải chờ quy chế!

Rồi hàng loạt các vấn đề như vị trí xây dựng quá xa trung tâm không thu hút dân cư, công trình xây dựng không đạt chất lượng, nhanh chóng xuống cấp khiến cho khách hàng không mặn mà…

Nhà ở xã hội, xây xong thì bỏ hoang. Đất để triển khai tiếp theo những lời cam kết về chất lượng thì khan hiếm. Đâu sẽ là lời giải? Xin nhường câu trả lời lại cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền!

Bình luận

Đánh giá bài viết

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...

Chia sẻ bài viết