Các bước dọn nhà đón Tết chuẩn phong thủy
Có rất nhiều việc cần làm để đón một cái Tết trọn vẹn và ấm cúng, trong đó không thể thiếu là khâu dọn dẹp và trang trí nhà cửa thực hiện trước Tết. Tuy nhiên, dọn nhà thế nào để chuẩn phong thủy, góp phần mang đến một cái Tết đầm ấm và năm mới an khang thì không phải ai cũng nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ giúp gia chủ về vấn đề nói trên.
Vệ sinh và dọn nhà
Người Việt luôn quan niệm, khi năm mới đến mọi thứ trong gia đình đều phải mới mẻ thì cả năm mới sung túc, an khang. Tuy nhiên không phải đồ vật nào cũng có thể đầu tư sắm mới. Do đó, việc vệ sinh, dọn dẹp nhà với ý nghĩa gạt bỏ đi những cái cũ, mang lại may mắn cho gia đình trong năm mới là vô cùng cần thiết. Những việc cụ thể đó là: lau chùi salon, bàn ghế, lựa chọn cốc chén mới, sắp xếp gọn gàng lại các góc để đồ trong nhà, chén, bát đũa…
Hướng dẫn con dọn nhà cùng bố mẹ là cách dạy con và tạo thêm không khí đón Tết với các bé
Nhiều gia đình cầu kì hơn sẽ quét vôi ve lại cho toàn bộ căn nhà. Việc này vừa tạo khí thế mới mẻ cho các thành viên, vừa làm cho căn nhà trở nên sáng sủa, thu hút. Tuy nhiên, giấy dán tường hay màu sơn cần được lưu ý lựa chọn gam màu phù hợp với mệnh, tuổi của gia chủ như vậy sẽ thuận lợi hơn trong phong thủy mang tài lộc về.
Trang trí phòng khách
Phòng khách sẽ là khu vực quan trọng nhất vì tụ họp các thành viên và khách khứa nhiều nhất trong một ngôi nhà nên cần ưu tiên trang trí cầu kì hơn cho nơi này. Đây cũng là nơi tập trung vượng khí do đó cần lưu ý một vài chi tiết như, không nên bố trí ghế ngồi quay lưng ra hướng cửa chính, mà nên đặt vị trí người ngồi hướng ra cửa để khách đến nhà cảm nhận được sự chào đón.
Phòng khách nhất thiết phải tạo không khí thân mật, hòa thuận và đoàn kết. Hình tròn trong phong thủy tượng trưng cho sự hài hòa, thống nhất, cho nên khi trang trí bằng các vật dụng có kiểu dáng hình tròn sẽ có tác dụng hỗ trợ thêm hòa khí. Nếu bàn ghế không “tròn”, hãy cố gắng làm mềm những góc nhịn bằng cách dùng khăn trải bàn hay đặt chậu cây cảnh xung quanh.
Phòng khách những ngày Tết nên có một bình hoa tươi rực rỡ
Nên chọn bàn ghế có màu sắc tươi sáng, mang lại cảm giác dồi dào sinh khí cho năm mới. Bên cạnh đó, ghế ngồi nên có chỗ dựa lưng hoặc dạng ghế bành êm ái vì những kiểu ghế này mang lại tính che chở, nâng đỡ cho người ngồi. Tránh kê bàn ghế quá gần nhau để luồng khí có thể lưu thông dễ dàng.
Bố cục của phòng khách với cửa phòng nhìn về hướng đông là lý tưởng nhất. Những vật gia dụng to lớn nặng nề đặt ở phía nam, khoảng trống ở phía tây là hợp lý nhất.
Bàn tiếp khách là nơi gia chủ hàn huyên với khách đến nhà chúc Tết. Trên bàn khách không thể thiếu mứt – kẹo ngày Tết, bộ ấm trà, phong lì xì… Tiếp theo là tường và các góc trang trí Tết cần được điểm thêm các chậu cúc, quất hoặc một góc quê nhà” nho nhỏ với các nông sản quen thuộc. Để tăng thêm vận khí, nên đặt cây cảnh để hỗ trợ cho vận thế của ngôi nhà, đặc biệt vào dịp Tết.
Bài trí bàn thờ theo Bát quái
Bàn thờ là nơi tâm linh và phong thủy nên được chăm chút thật kỹ lưỡng. Hoa tươi và ngũ quả được bày thật công phu cho lễ cúng giao thừa. Ngoài ra, trên bàn thờ có thể cắm thêm cành vàng lá ngọc tượng trưng cho phú quý.
Luật Bát Quái thể hiện tính thứ bậc, thể hiện chữ lễ, trước sau, lý tính trong tâm thức con người Á Đông vì trong Bát Quái, Âm Dương phát triển từ Vô Cực đến Thái Cực đến Lưỡng Nghi đến Tứ Tượng đến Bát Quái và sinh ra 64 quẻ, 384 hào.
Bàn thờ tổ tiên bố trí theo Bát Quái sẽ có bộ đèn lớn bày ở giữa (ngày nay nhiều nhà thay bằng điện) chính là Thái Cực (tỏa ánh sáng), 2 đèn nhỏ (hoặc hai cây nến) hai bên chính là Lưỡng Nghi, trái dưa hấu, mâm Ngũ Quả và 2 bình bông phân ra thành Tứ Tượng, bát hương ở giữa là Bát Quái.
Bàn thờ gia tiên là nơi vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình Việt Nam
Hoa và cây cảnh
Khi cắm hoa ngày Tết (dù bày phòng khách trên bàn thờ) theo đúng phong thủy thì nên cắm nhiều loại hoa và hoa nhiều màu sắc. Lọ hoa ngày Tết nên hạn chế màu trắng vì màu trắng có tính âm. Nên tăng cường các màu có tính dương như xanh, vàng, đỏ. Hầu hết người ta thường cắm hoa theo ba tầng thấp, vừa và cao, nhằm thể hiện theo nguyên lý Tam tài. Cắm bông nhỏ, bông to như một sự cân bằng âm dương.
Mai, đào là những loại cây không thể thiếu trong gia đình vào ngày Tết nên hãy cùng người thân trong gia đình bạn trang trí lên đó những phong bao lì xì, những hình ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đó là một phần quan trọng mang đến không khí ngày Tết và là một cách trang trí nhà cửa dành cho bạn.
Tạo những điểm nhấn khác lạ
Dấu ấn Tết cổ truyền ở ngôi nhà Việt Nam là cách bố trí thật gần gũi, ấm cúng, đậm bản sắc Việt được thể hiện từ ngoài cổng, sân, đến phòng khách và gian bếp.
Chơi câu đối trong ngày Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Câu đối đỏ được treo hoặc dán trang trọng ngay cổng ra vào của ngôi nhà với ý nghĩa mừng năm mới, chúc tặng người thân, mong một cái Tết an lành, phú quý.
Những điểm nhấn khác lạ để trang trí nhà cửa nhiều khi chỉ là những chiếc lẵng hoa nhỏ treo ở góc nhà, cầu thang, những lọ hoa ly, hoa hồng… đầy màu sắc bên bàn ăn, phòng khách hay những khung ảnh chụp lại khoảnh khắc đáng yêu của gia đình, hoặc một hệ thống đèn nháy tự thiết kế đầy sáng tạo.
Hoàn thiện được những việc trên không thể chỉ bởi một người có thể làm, các thành viên trong gia đình nên có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Sẽ hơi mệt nhưng cũng rất vui khi cùng nhau chọn lựa đồ trang trí, hoàn thành công việc. Dọn nhà chỉ là một phần, những kỉ niệm để lại cho mỗi thành viên dịp đón tết thực sự là điều quý giá và ý nghĩa.
Tổng hợp