Bất động sản 2018 và thách thức “khát” vốn
Thị trường bất động sản năm 2018 đã được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục giữ được sự phát triển ổn định. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra là sẽ phải đối mặt với khó khăn thiếu vốn, quan hệ cung – cầu; khó khăn với tiếp cận quỹ đất đầu tư hay thủ tục hành chính… Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết trong văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản mới đây.
Do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng, nhiều tổ chức đánh giá quốc tế, trong đó có Moody’s đã khuyến nghị Chính phủ không nên nới lỏng thêm tiền tệ… nên các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.
Kể từ Thông tư 06/2016/TT-NHNN, ngày 27/05/2016 của Ngân hàng Nhà nước, nguồn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản đã bị hạn chế. Thông tư này quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình giảm dần từ 60% năm 2016 xuống 40% từ 1/1/2018.
Doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn mới trong bối cảnh tín dụng thắt chặt
Thông tư 06/2016/TT-NHNN cũng được điều chỉnh bởi Thông tư 19/2017/TT-NHNN, ngày 28/12/2017, cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình 45% (Từ ngày 01/01/2018 – 31/12/2018) giảm xuống 40% (Từ ngày 01/01/2019). Tuy nhiên, để hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
>>> Xem thêm: Đầu cơ chung cư giá rẻ hết thời?
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Dù thị trường bất động sản 2018 có nhiều thách thức nhưng HoREA cho rằng áp lực này cũng là động lực giúp các doanh nghiệp bất động sản phải tìm ra các phương án tối ưu và phù hợp để vượt qua. vươn lên và thích ứng với môi trường kinh doanh mới. HoREA cũng dự báo, “Các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn nữa; phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1 – 2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn giữ vai trò chủ đạo và dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn; các dự án “bất động sản xanh”, có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế được lựa chọn”.
Theo VietNamNet